Sunday, April 14, 2013

Nganh TAND tinh Ba Ria

Ngành TAND tỉnh Bà Rịa

Thực hiện chỉ đạo của TANDTC, ngành TAND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã ban hành Kế hoạch số 10/KH ngày 17/1/2013 và tổ chức lấy ý kiến các cán bộ, công chức và hội thẩm nhân dân góp ý dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.

 Có rất nhiều ý kiến góp ý rất tâm huyết và thiết thực để hoàn hiện bản dự thảo Hiến pháp có tính ổn định lâu dài…

Theo ông Nguyễn Văn Cơ, Chánh án TAND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, có nhiều ý kiến đóng góp về "chế độ kinh tế" trong bản Dự thảo Hiến pháp. Các ý kiến nhận định cần thiết tiếp tục khẳng định nền kinh tế nước ta là nền kinh tế thị trường theo định hướng XHCN với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế. Các thành phần kinh tế là bộ phận cấu thành của nền kinh tế quốc dân, cùng phát triển lâu dài, hợp tác bình đẳng và cạnh tranh theo pháp luật. Tuy nhiên, cần quy định rõ những chủ trương về phát triển bền vững đất nước, xác định vai trò then chốt, chủ đạo của nền kinh tế nhà nước, kinh tế tập thể là nền tảng của nền kinh tế quốc dân. Dự thảo Hiến pháp cần nên quy định rõ hơn về các quy luật vận hành của nền kinh tế thị trường, trong đó có các quy luật cạnh tranh công bằng, lành mạnh, đảm bảo tốt hơn quyền tự do kinh doanh của công dân, xác định hợp lý vai trò của kinh tế nhà nước và kiểm soát chặt chẽ các biện pháp can thiệp của Nhà nước vào nền kinh tế thị trường. Đồng thời nhấn mạnh hơn trách nhiệm của Nhà nước và xã hội trong việc đảm bảo an sinh xã hội và bảo vệ môi trường. Đối với Chương VIII về TAND và VKSND, nhiều ý kiến của cán bộ ngành Tòa án tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu nêu rõ:  Việc sửa đổi bổ sung các quy định tại Điều 108; khoản 2 Điều 109, khoản 4 Điều 109, khoản 1 Điều 110 và khoản 7 Điều 75 là phù hợp, đáp ứng yêu cầu đổi mới nhằm xây dựng Tòa án là cơ quan thực hiện quyền tư pháp ngày càng hoạt động có hiệu quả. Ngoài ra, nhiều ý kiến đề nghị cần nghiên cứu cụ thể các vấn đề: Tại khoản 3 Điều 110 dự thảo cần bỏ từ "nhiệm kỳ" trước từ "của Thẩm phán". Bởi vì Thẩm phán là một nghề nghiệp, từ Thẩm phán nghĩa là một chức danh, không phải mang ý nghĩa chức vụ nên không thể quy định nhiệm kỳ. Tại khoản 1 Điều 107 Dự thảo có ghi: "TAND là cơ quan xét xử của nước CHXNCN Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp". Quy định như vậy là chưa đủ, thực tế cho thấy ngoài TAND còn có TAQS, sau này do yêu cầu thực tế có thể Quốc hội thành lập các Tòa án khác theo luật định. Nên ghi lại như sau: "TAND và các Tòa án khác theo luật định là cơ quan xét xử của nước CHXHCN Việt Nam thực hiện quyền tư pháp". Tại khoản 2 Điều 107 Dự thảo cần quy định thêm và ghi lại như sau: TAND, TAQS và Tòa án khác do luật định trong phạm vi chức năng của mình có nhiệm vụ bảo vệ pháp chế XHCN và quyền làm chủ của nhân dân, bảo vệ các lợi ích của Nhà nước, của tổ chức, của tập thể, bảo vệ quyền con người và các quyền, lợi ích hợp pháp của công dân theo quy định của pháp luật. Tại khoản 3 Điều 109 cần bổ sung thêm chức năng ban hành án lệ của TANDTC. Vì hiện dự thảo Luật Tổ chức TAND đang sửa đổi bổ sung theo hướng TANDTC được ban hành án lệ, do đó cần có quy định trong Hiến pháp. Tại khoản 3 Điều 109 của Dự thảo cần viết lại như sau: "TANDTC tổng kết thực tiễn xét xử, hướng dẫn áp dụng pháp luật thống nhất trong xét xử. Thông qua việc xét xử các vụ án, TANDTC thực hiện quyền giải thích pháp luật bằng văn bản quy phạm pháp luật và ban hành án lệ". Quy định như vậy mới phù hợp với Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, đồng thời tránh sự tùy tiện hướng dẫn áp dụng pháp luật bằng các công văn, chỉ thị.

No comments:

Post a Comment